Bong da

BONG-DA-ANH

Fabio Capello: Bản lĩnh người Ý, tính khí người Anh

Cập nhật: 09/02/2012 11:15 | 0

Sau một thời gian, rốt cuộc thời khắc Capello khăn gói rời nước Anh cũng đến. So với cái ngày xuất hiện rùm beng, hoành tráng, cách ra đi của chiến lược gia người Italia sốc và ảm đảm như chính xứ sở này.







Gần 4 năm trước, người Anh chào đón Fabio Capello với tất cả sự lịch thiệp và hào phóng. Báo chí Anh rầm rộ cả tuần trước và sau thời điểm chiến lược gia người Italia có mặt tại đại bản doanh của FA, để đặt bút ký vào bản hợp đồng dẫn dắt Tam Sư với thời hạn 4 năm, cùng mức lương ngất ngưởng 6 triệu bảng/năm.

Họ có lý để hân hoan và kỳ vọng. Sau 2 nhiệm kỳ HLV đầy thất vọng với Sven Goran Eriksson và Steve McClaren, người Anh tỏ ra rất tự tin trao ĐTQG vào tay một chiến lược gia tài năng và giàu kinh nghiệm như Capello. Chỉ cần nhìn vào bảng thành tích của Don Fabio, với 16 danh hiệu cả thảy trong thời gian dẫn dắt Milan, Juventus, Roma và Real Madrid, tất cả đều phải trầm trồ thán phục về đẳng cấp của HLV người Italia.

Quả thật, ngay cả giới chuyên môn lúc đó cũng tin rằng, ĐT Anh chỉ còn thiếu một bàn tay khéo léo của một HLV lão luyện để có thể giành mọi danh hiệu quốc tế. Sở hữu dàn cầu thủ tài năng bậc nhất giới túc cầu như Frank Lampard, John Terry, Rio Ferdinand, Ashley Cole, Wayne Rooney, Steven Gerrard… Tam Sư đang thiếu chính cái bản lĩnh người Ý ở Capello để tạo nên một đội bóng bách chiến bách thắng.


Capello ra đi trong sự giân dữ, bực bội

Ngày ra mắt ĐT Anh, Capello phát biểu khiêm tốn nhưng cũng khí khái đậm chất “Địa Trung Hải” với tuyên bố: “Dẫn dắt ĐT Anh vì muốn đưa đội bóng này lên đỉnh cao vinh quang chứ không phải bởi tiền bạc”. Tất nhiên, người Anh hài lòng bởi khát khao của Capello đã vẽ lên viễn cảnh tương lai đẹp cho Tam Sư.

Tuy nhiên, cuộc đời không như là mơ. Có vẻ như cuộc sống xa hoa ở xứ sở Sương mù khiến cho “chất Ý” của Capello phai nhạt. Nói đúng hơn, “tính khí Anh”  bắt đầu nhiễm vào chiến lược gia này từ lúc nào không hay. Sự bảo thủ của Capello càng có cơ hội phát triển trước sự kiêu ngạo của giới truyền thông Anh.

Capello đã rũ bỏ hẳn vẻ hòa nhã mà thay bằng bộ mặt cau có đăm chiêu sau mỗi trận đấu bị “băm vằm” bởi dư luận xứ sở Sương mù. Cái bản lĩnh người Ý của Capello bỗng biến mất không chỉ ở hậu trường mà cả trên sân cỏ. Những “góp ý” quá đáng của báo giới vào công việc nội bộ ở ĐT Anh khiến Capello phân tâm. Ông không còn làm chủ sau những scandal kiểu như John Terry “tòm tem” bạn gái cũ của đồng đội Wayne Bridge, dẫn đến quyết định tước băng đội trưởng của cầu thủ này; rồi mâu thuẫn với Rio Ferdinand về băng đội trưởng…



Sau thất bại ở VCK World Cup 2010, cả Capello và NHM đều thất vọng. Và từ lúc này, dư luận Anh quay ngoắt thái độ, sẵn sàng chỉ trích người mà họ từng kỳ vọng. Bản thân Capello cũng trượt dài trong chuỗi trận thất vọng. Bất lực trong việc biến Tam Sư thành đội bóng “bách chiến, bách thắng” khi đội quân dưới sự dẫn dắt của ông trình diễn thứ bóng đá khô khan và nhạt nhẽo, Capello không còn giữ được bình tĩnh trước sự khiêu khích của dư luận. Sự soi mói của báo chí và cách điều hành của FA khiến Capello nóng mắt.

Quyết định tước băng đội trưởng của Terry mà không cần tư vấn của HLV ĐTQG của FA như giọt nước tràn ly. Capello cảm thấy bị xúc phạm. Sự khẳng khái “Địa trung hải” cùng tính khí kiêu ngạo của người Anh khiến Capello bất cần tất cả. Quyết định từ chức là cái kết bất ngờ nhưng hợp lý cho “mối tình” giữa Capello và Tam Sư.

Sự ra đi của Capello gần giống với cách Eriksson rời đội tuyển Anh cách đây 6 năm. Đó là sự ra đi trong thất bại. Điều này nói lên một thực tế rằng, dù là một người bản lĩnh như Capello vẫn phải chào thua trước áp lực và tính khí người Anh, hẳn khó HLV ngoại nào có thể giành được thành công cùng Tam Sư và khó HLV nào dám đương đầu dẫn dắt ĐT Anh!

XEM THÊM







bongdaplus.vn