Bong da

Đức

Jerome Boateng: Viên kim cương bắt đầu lấp lánh

Cập nhật: 14/11/2014 10:19 | 0

Từ khi bắt đầu thi đấu tại Bundesliga cách nay 8 năm, Jerome Boateng đã qua 8 đời HLV. Pep Guardiola là người cuối cùng trong danh sách. Ngay từ đầu, nhà cầm quân người Tây Ban Nha đã nhìn thấy ở hậu vệ này một tài năng lớn và đánh giá “đây là một viên kim cương” sẽ tỏa sáng rực rỡ.

Jerome Boateng: Viên kim cương bắt đầu lấp lánh
Jerome Boateng: Viên kim cương bắt đầu lấp lánh
Boateng có tất cả những phẩm chất mà Guardiola cần ở một trung vệ: sự thông minh, tốc độ, chạm bóng tinh tế, bản năng bóng đá và cái nhìn bao quát về lối chơi. Cầu thủ này chỉ có khuyết điểm duy nhất là trong một trận đấu kéo dài 90 phút, đôi khi chơi thiếu tập trung.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành cho trang web của Bayern Munich, chủ tịch Karl-Heinz Rummenigge đã nói: “ Tôi luôn luôn nghĩ Jerome là một cầu thủ có tài năng đến mức không thể tin nổi, nhưng có khuynh hướng thỉnh thoảng đánh mất sự tập trung trong trận đấu. Tuy nhiên giờ đây yếu điểm này đã được khắc phục hoàn toàn”.

Guardiola và Boateng đã phải cùng nhau làm việc rất vất vả trong năm đầu tiên chung sống. Và các kết quả bắt đầu chứng minh sự đúng đắn của Pep khi khẳng định trung vệ người Đức là một viên kim cương thô có thể tỏa sáng lấp lánh. Rummenigge còn bổ sung: “Boateng là cầu thủ xuất sắc nhất trong trận chung kết World Cup vừa qua và điều này đã tạo cho anh một động cơ mới để phấn đấu”.


Boateng là cầu thủ quan trọng trong hàng phòng ngự của Bayern

Trước khi về nhận sự dẫn dắt của Guardiola, trung vệ người Đức đã từng là học trò của bảy HLV khác nhau, đầu tiên là Falko Gotz, khi còn thi đấu cho Hertha. Khi chuyển sang Hamburg, trong 3 năm anh đã trải qua 4 đời HLV: Huub Stevens, Martin Jol, Bruno Labbadia và Ricardo Moniz. Tất cả những nhà cầm quân này đều có ảnh hưởng tốt với Boateng, nhưng chắc chắn Stevens, một chuyên gia trong tổ chức phòng ngự, là người giúp anh trưởng thành nhiều nhất trong vị trí của một trung vệ. Bởi vì hồi đó, cầu thủ này chơi ở vị trí hậu vệ cánh còn nhiều hơn ở giữa hàng thủ.

Tại World Cup 2010, từ trận thứ ba, Boateng đã thay Badstuber ở vai trò hậu vệ cánh trái của “cỗ xe tăng Đức”. Sau giải đấu này (Đức lọt vào đến bán kết), Boateng về Manchester City do Roberto Mancini dẫn dắt. Đó không phải là một năm thành công với anh, một phần do các chấn thương liên tiếp và có thể một phần do chưa có một vị trí thi đấu rõ ràng trên sân cỏ.

Jupp Heynckes đã xếp Boateng đá trung vệ bên cạnh Badstuber khi cầu thủ này đến với sân Alianz Arena và đây là một quyết định tuyệt vời. Boateng bắt đầu phát huy mạnh mẽ các phẩm chất của mình mặc dù đôi lúc vẫn mất tập trung như Rummenigge nhắc nhở. Hai năm sau, Guardiola đến Bayern cùng với thứ chiến thuật rất đặc biệt của mình.


Boateng không thành công khi khoác áo Man City

Một trong những quyết định đầu tiên của HLV người Catalan là dâng cao hàng thủ. Nếu như với Heynckes, tuyến phòng ngự thường đứng trước khung thành của Neuer 36,1 mét thì với Guardiola khoảng cách đó ngay lập tức được đưa lên 43,5 mét, theo một nghiên cứu của Christoph Gschossmann đăng trên trang web chính thức của Bundesliga vào tháng 9/2013. Một vài tháng sau, Pep còn đưa hàng thủ dâng cao thêm một chút nữa. Bây giờ thì các hậu vệ của Bayern đã quen với việc chơi trên phần sân đối phương trong phần lớn thời gian của trận đấu. Và điều này buộc các trung vệ của đội bóng này phải điều chỉnh cách ứng xử trong phòng ngự. Và Pep là người đã phát hiện ra tầm vóc thực sự của Boateng.

Bởi vì trung vệ này không chỉ dần dần khắc phục được yếu điểm đôi khi mất tập trung mà còn bắt đầu tỏa sáng. Với cách chơi của Guardiola, đây là một trung vệ lý tưởng: nhanh nhẹn, khéo léo, quyết liệt, dũng cảm, chơi bóng hai chân, có thể sử dụng ở bất cứ vị trí nào của hàng phòng ngự, dù đó là phải, trái, hay ở giữa, dù ở gần hay xa cầu môn. Tất nhiên, Boateng vẫn phạm sai lầm, nhưng rõ ràng trung vệ này đã tiến bộ rất nhiều. Anh không chỉ đóng vai trò quyết định trong trận chung kết World Cup trước Argentina mà còn là một trụ cột vững chắc trong hệ thống phòng ngự mà Pep xây dựng ở Bayern. 

Như Daniel Rathjen vừa giải thích trên eurosport.de, Boateng đang đạt tới một trình độ chơi bóng mới, không chỉ trong khâu phòng thủ mà cả trong kiến thiết lối chơi, một điều rất quan trọng khi Xabi Alonso bị các đối thủ khóa chặt. Trước Roma, tại Champions League, Boateng là tác giả của hai đường chuyền thành bàn. Trong cả hai trường hợp, trung vệ này đều cướp được bóng từ chân đối thủ, sau đó tung ra hai đường chuyền vượt tuyến, một đường cho Ribery và một đường cho Lewandowski và cả hai đều ghi bàn cho Bayern. Điều quan trọng nhất là Boateng có nhiều đất để cải thiện hơn nữa, bởi anh mới chỉ là một viên kim cương bắt đầu lấp lánh.


(báo bóng đá)